Sản phẩm nội thất làm từ gỗ tự nhiên thường tăng giá trị theo thời gian
Gỗ tự nhiên là gì?
Gỗ tự nhiên là loại gỗ được khai thác trực tiếp trong những khu rừng nguyên sinh hay từ các cây trồng lấy gỗ, nhựa, tinh dầu hoặc lấy quả có thân cứng chắc. Những sản phẩm nội thất chế biến từ gỗ tự nhiên thường có giá trị cao và mang vẻ đẹp vô cùng tinh tế, sang trọng.
Khám phá vẻ đẹp của đồ gỗ tự nhiên
Gỗ tự nhiên vốn đã sở hữu vẻ đẹp mộc mạc và thân thiện cùng gam màu ấm cúng do đó khi được tạo hình thành những vật dụng nội thất như: bàn ghế, tủ giường… sẽ càng tôn lên nét trang nhã, thanh tao, tinh tế cho ngôi nhà.
Điểm đặc biệt của gỗ tự nhiên là tùy thuộc vào khu vực địa lý sinh trưởng mà mỗi thân cây sẽ có màu sắc và hình thù vân gỗ khác nhau, tạo nên nét độc đáo riêng biệt mà các sản phẩm công nghiệp khó có được. Vì vậy, mỗi loại đồ gỗ tự nhiên khi thành phẩm sẽ có giá trị cao hơn và được các khách hàng ưa chuộng.
Ưu điểm của đồ gỗ tự nhiên?
Khi nhắc đến đồ nội thất làm bằng gỗ tự nhiên thì mọi người thường chia sẻ về những ưu điểm nổi bật của các loại sản phẩm này; bao gồm:
1. Tính liên kết chắc chắn
Các loại đồ gỗ tự nhiên qua công đoạn phơi, tẩm sấy nghiêm ngặt thường có tính liên kết cao nên độ chắc chắn, chịu lực cũng hơn hẳn các loại gỗ công nghiệp.
2. Độ bền chắc
Khác với các sản phẩm nội thất thông thường, đồ gỗ tự nhiên có độ bền cao và gia tăng giá trị theo thời gian; đặc biệt là đối với các loại gỗ quý hiếm như: Giáng Hương, Đinh Hương, Gụ, Trắc…
3. Tính thẩm mỹ
Như đã nói ở trên, gỗ tự nhiên có các đường vân riêng biệt với màu sắc độc đáo nên những sản phẩm nội thất làm từ chất liệu này thường được đánh giá cao về tính thẩm mỹ và có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu, sở thích của nhiều người.
4. Phù hợp với nhiều phong cách thiết kế
Khác với những gì mọi người thường nghĩ đồ gỗ sẽ phải mang tính hoài cổ, cũ kỹ… thực ra gỗ tự nhiên là chất liệu phù hợp với nhiều phong cách thiết kế. Nhờ vào hoa văn trên thân và màu sắc đặc trưng mà gỗ tự nhiên có thể được tạo tác thành những vật dụng nội thất mang vẻ đẹp cổ điển, tân cổ điển hoặc hiện đại.
Đồ gỗ tự nhiên luôn mang đến một không gian sang trọng, ấn tượng nhưng không kém phần mộc mạc, thân thiện, gần gũi cho ngôi nhà.
5. Dễ tạo hình
Gỗ tự nhiên có độ dẻo dai cao và liên kết chặt chẽ nên chúng có thể chịu được va đập và rất dễ uốn nắn trong việc tạo hình khi chế tác đồ nội thất.
Nhược điểm của đồ gỗ tự nhiên?
Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì đồ gỗ tự nhiên cũng có những nhược điểm gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng; cụ thể như sau:
1. Mức độ khan hiếm cao, giá thành đắt đỏ
Hiện nay, số lượng gỗ tự nhiên tại Việt Nam đang ngày càng trở nên khan hiếm do nhu cầu của thị trường tăng cao và tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ bừa bãi. Hầu hết gỗ tự nhiên dùng để sản xuất đồ nội thất ở nước ta đang được nhập khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới.
Ngoài ra, do gỗ tự nhiên cũng không thể áp dụng phương pháp sản xuất hàng loạt như gỗ công nghiệp mà chỉ có thể chế tác thủ công cho nên mất rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, giá đồ gỗ tự nhiên thường khá đắt đỏ và cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm công nghiệp.
2. Đòi hỏi kỹ thuật chế tác lành nghề
Đối với đồ gỗ tự nhiên, việc tạo hình đòi hỏi người thợ phải lành nghề, giàu kinh nghiệm, có kỹ thuật cao nếu không sau một thời gian sử dụng sản phẩm sẽ bị hư hại.
Gỗ tự nhiên được phân loại như thế nào?
Khi tìm mua đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên, nhiều khách hàng thường được giới thiệu sản phẩm làm từ chất liệu cao cấp nhưng sự thật có như những gì bạn được nghe?
Gỗ tự nhiên khá đa dạng, phong phú về chủng loại và tùy vào chất liệu cụ thể là gì mà mỗi sản phẩm nội thất được tạo ra sẽ có mức giá bán khác nhau. Do đó, khách mua cần hiểu rõ cách phân loại nhóm gỗ để chọn lựa sản phẩm và xem xét mức giá phù hợp.
Dựa vào những đặc tính cơ bản, ở nước ta chia gỗ tự nhiên thành các nhóm sau:
1. Phân loại đồ gỗ tự nhiên dựa vào mức độ quý hiếm
Nhóm cây lấy gỗ quý hiếm
Nhóm cây gỗ quý hiếm thường có giá trị cao và khó trồng do tốc độ sinh trưởng chậm, đòi hỏi yêu cầu về môi trường phát triển đặc biệt. Chẳng hạn như: trầm hương, cẩm lai, hồng ngà, mun, trắc vàng, sưa, lát hoa, gõ… Hiện nay nhóm gỗ này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị khai thác bừa bãi nên khá khan hiếm trên thị trường.
Nhóm cây gỗ không quý hiếm
Các nhóm gỗ tự nhiên thông thường là loại dễ trồng, tốc độ sinh trưởng nhanh và có giá trị kinh tế thấp hơn. Chẳng hạn như: sồi, óc chó, xoan đào… và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đồ nội thất.
Đồ gỗ tự nhiên được ứng dụng nhiều trong thiết kế nội thất nhà ở
2. Phân loại đồ gỗ tự nhiên dựa vào tỷ trọng
Nhóm gỗ siêu nặng có tỷ trọng từ 0.95 – 1.40
Đa số các loại gỗ thuộc nhóm siêu nặng đều thuộc nhóm gỗ quý hiếm ở trong nước và quốc tế như: trầm hương, mun, trắc vàng, sưa, lát hoa, gõ…. Nhóm gỗ này thường có đường vân đẹp, màu sắc óng ánh, độ bền tốt và có hương thơm tự nhiên.
Nhóm gỗ nặng có tỷ trọng từ 0.80 – 0.95
Các loại gỗ thuộc nhóm này thường nặng, có bền và độ dẻo dai lớn cùng sức chịu lực cao. Chẳng hạn như: đinh, lim, ngến, sến, táu…
Nhóm gỗ nặng trung bình có tỷ trọng từ 0.65 – 0.95
Các loại gỗ thuộc nhóm này nhẹ, mềm hơn hai nhóm trên nhưng sức bền, sức chịu lực và độ dẻo dai khá tốt. Ví dụ như: sao đen, huỷnh, chò chỉ…
Nhóm gỗ nhẹ có tỷ trọng từ 0.50 – 0.65
Gỗ có sức chịu lực kém, dễ bị mối mọt và dễ chế biến như: chẹo, rồng rồng, kháo…
Nhóm gỗ thật nhẹ có tỷ trọng từ 0.20 – 0.50
Những loại gỗ này có sức chịu lực, sức chống mối mọt kém; chẳng hạn như: côm, ngát, vạng, sổ….
Nhóm gỗ thật nhẹ có tỷ trọng từ 0.04 – 0.20
Đây là nhóm gỗ tự nhiên có sức chịu lực rất kém và khả năng bị mối mọt cao; ví dụ như: ba bét, côi, sung, ba soi….
Cách bảo quản đồ gỗ tự nhiên
Làm thế nào để vệ sinh và bảo quản đồ gỗ tự nhiên trong nhà là vấn đề mà nhiều người quan tâm vì những đồ dùng nội thất này rất dễ bám bụi nhưng lại khó lau chùi.
Bởi chỉ một chút sơ ý trong quá trình dọn dẹp cũng có thể khiến cho đồ gỗ bị trầy sướt, hư hại và mất đi giá trị. Dưới đây là một số bí quyết giúp bảo quản đồ gỗ tự nhiên mà bạn nên xem qua:
– Tránh ngâm nước đồ gỗ quá lâu hoặc đặt tại nơi có độ ẩm cao và nơi có ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp.
– Không dùng vật sắc nhọn cạo các vết bẩn trên sản phẩm.
– Không nên sử dụng các chất tẩy rửa mạnh để làm sạch vết bẩn.
– Nên lấy chổi lông mềm quét bụi trước sau đó dùng khăn mềm thấm nước và vắt ráo để lau bề mặt bàn ghế bằng gỗ tự nhiên để tránh làm xước bề mặt sản phẩm.
(Nguồn:sưu tầm )